3 lợi ích của việc mua máy tính tự lắp ráp

Ngày Đăng: 30/03/2018

Với nhiều người, việc lắp ráp một bộ máy tính dễ như chơi xếp hình vậy, thậm chí số lượng mảnh ghép còn ít hơn, nhưng quan trọng bạn phải biết lắp nó vào đâu, cũng như chọn đúng miếng ghép cho hệ thống của mình nữa. Để có thể có một bộ máy tính phù hợp với bản thân mình.

Bởi thế, trong nhiều thập kỷ qua, các nhà sản xuất máy tính như Dell hay HP vẫn bán ra rất nhiều máy tính được thiêt kế và trang bị sẵn đầy đủ thành phần để có thể hoạt động ngay khi cắm điện. Thường được gọi với cái tên "máy tính đồng bộ".

 

Đây là lựa chọn không tệ cho người dùng ít tìm hiểu về máy tính và chỉ có nhu cầu sử dụng cơ bản, nhưng với dân công nghệ như các bạn, mua máy tính đồng bộ có vẻ không phải một quyết định hợp lý. Trong trường hợp này, có 3 lý do để bạn tự build cho mình một bộ PC thay vì mua máy tính đồng bộ.

Rẻ hơn, rẻ hơn nhiều, rẻ hơn rất nhiều!

Cách đây 7 năm, khi còn là một kẻ "gà mờ", chính tôi cũng từng chọn mua một bộ máy tính đồng bộ ở siêu thị điện máy có cấu hình tương đối thấp và mức giá hơn 8 triệu đồng. Sau đó, khi kiểm tra lại mức giá bán lẻ của các linh kiện bên trong, nếu tự build một hệ thống tương tự, tôi chỉ phải chi ra khoảng hơn 5 triệu đồng.

Hiện nay, các nhà sản xuất vẫn tung ra nhiều sản phẩm máy tính đồng bộ như vậy, nhưng có sự dịch chuyển lên phân khúc cao cấp, với các hệ thống chơi game cấu hình cao. Dù ở phân khúc nào, máy tính đồng bộ vẫn luôn bị coi là "overprice" (giá bán cao hơn giá trị thực). Nhiều cỗ máy chơi game có giá lên tới 60 triệu đồng, nhưng nếu tự xây dựng một hệ thống tương tự, bạn chỉ cần chi ra khoảng 35 - 40 triệu đồng.

 

Dễ hiểu, phần giá bán chênh lệch được tính vào chi phí thiết kế và giá trị thương hiệu của sản phẩm. Có thể thấy các máy tính đồng bộ dành cho game thủ luôn có thiết kế vô cùng hầm hố nhờ phần vỏ case không thể tìm được ở đâu. Cùng với đó, được đóng mác thương hiệu nổi tiếng, như dòng sản phẩm Republic of Gamers của ASUS chẳng hạn, giá trị của dàn máy tăng lên phần nào.

Trong trường hợp bạn có đủ khả năng chọn mua và lắp đặt một hệ thống phù hợp với bản thân, cũng như chẳng cần tới "thương hiệu" kia, tự build máy sẽ giúp tiết kiệm được một khoản kha khá. Còn nếu kiến thức về máy tính của bạn là không đủ, hãy tìm tới chính những đại lý bán linh kiện máy tính, họ hoàn toàn có thể giúp bạn lựa chọn và lắp đặt hoàn toàn miễn phí.

Chọn đúng những gì bạn cần

Đó là thứ "xa xỉ" theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng khi bạn mua máy tính đồng bộ. Với các sản phẩm phổ thông, các hệ thống sẽ được xây dựng sẵn tùy theo mục đích sử dụng hướng tới, bạn trả tiền và bê dàn máy về, hoặc trả thêm một chút tiền cho lượng RAM hay bộ nhớ cao hơn, các thành phần như CPU và Mainboard là không thể thay thế.

Ở một câu chuyện khác, nếu tìm tới những cỗ máy chơi game cỡ khủng, có hàng chục lựa chọn để người dùng tùy biến, dù đó có là máy tính đồng bộ đi chăng nữa. Từ VGA, CPU, RAM hay phương tiện lưu trữ, cứ việc lựa chọn, miễn sao bạn có đủ tiền. Quả thực với các sản phẩm cho phép bạn lựa chọn thoải mái, đưa bạn lên đúng nghĩa của từ "thượng đế", chúng đều nằm ở cao cấp và có giá bán "overprice", như những gì tôi đã nói trong lý do đầu tiên

 

Trong khi đó, nếu chọn phương án tự build một dàn máy, bạn sẽ có cơ hội chọn lựa từ A-Z các thành phần của hệ thống. Chọn một CPU vừa tầm do nhu cầu công việc không quá lớn, dành tiền cho một VGA lớn hơn bởi chơi game mới là mục đích chính.

Hơn ai hết, chính người dùng biết họ cần những gì, và đâu là một hệ thống ưng ý đáp ứng tốt nhu cầu cũng như khả năng tài chính của họ. Bởi vậy, việc tự xây dựng và chọn linh kiện phù hợp nên được đặt lên hàng đầu.

 

Tự build máy tính thật tuyệt!

Chưa nói tới những "con nghiện" phần cứng máy tính, coi việc build và modding hệ thống là một niềm đam mê, với người dùng thông thường, sử dụng máy tính do chính tay mình hoàn thành cũng là một trải nghiệm tuyệt vời.

Khi bạn nhìn vào dàn máy nằm trong góc cá nhân, dù nó chưa thật sự đẹp, cấu hình chưa thật sự mạnh, nhưng bạn có thể tự hào rằng chính mình đã tạo ra nó, chứ không phải Dell, Acer, HP hay một nhà sản xuất nào đó.

 

Nghĩ tới quá trình bạn bôi keo tản nhiệt cho CPU, lắp từng con ốc, cho tới việc đi dây gọn gàng, đó là một trải nghiệm tuyệt vời cho tới khi bạn ngồi vào bàn và sử dụng dàn máy đó. Ngay cả các trục trặc trong quá trình lắp đặt cũng rất đáng nhớ. Ai cũng từng rơi vào tình huống oái oăm như lắp đủ các các thành phần mà nhấn nút nguồn máy vẫn không chạy đúng không?

Khi bạn tự xây dựng một bộ máy tính cho riêng mình, bạn có thể nắm được vấn đề của từng thành phần trong đó. Khi hệ thống gặp vấn đề, bạn biết nó tới từ đâu, tìm ra giải pháp và xử lý ngon lành thay vì mang tới nơi bạn mua nguyên cả bộ để bảo hành.